Các giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

         Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, các chi bộ là nền móng của Đảng, là sợi dây chuyền để Đảng liên hệ với quần chúng. Người nhấn mạnh: “Chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”. Muốn chi bộ phát triển tốt, thì cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng chi bộ, “phải quan tâm đến việc xây dựng chi bộ, phải làm cho chi bộ trở thành “bốn tốt”. Chi bộ có vị trí, vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, do vậy hoạt động của chi bộ (mà chủ yếu thông qua sinh hoạt chi bộ thường kỳ) chính là nhằm thống nhất tư tưởng, tổ chức và hành động trong toàn Đảng, để thực hiện mục tiêu của Đảng, duy trì cầu nối này cũng là nhằm tăng cường tính chiến đấu, tạo sức mạnh cho Đảng, gây dựng và giữ vững niềm tin trong nhân dân. 

        Thời gian qua, các cấp uỷ đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Một số chi bộ đã tập trung thảo luận, bàn bạc và đưa ra giải pháp góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựng được chương trình sinh hoạt. Sinh hoạt chi bộ đi vào nền nếp, định vào một thời gian nhất định để đảng viên dự sinh hoạt đầy đủ. Mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, ngoài kiểm điểm thực hiện công tác chuyên môn, công tác xây dựng đảng, một số chi bộ còn dành thời gian để sinh hoạt chuyên đề. Các chi bộ có biên bản ghi chép nội dung đầy đủ, phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể… Qua sinh hoạt chi bộ có tác dụng thiết thực, tăng cường sự hiểu biết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên. Đội ngũ đảng viên đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong nhiệm vụ được phân công...

        Tuy nhiên, chất lượng sinh hoạt của một số chi bộ chưa cao, có trường hợp lấy sinh hoạt chuyên môn thay cho sinh hoạt chi bộ. Công tác tư tưởng thiếu nhạy bén, không nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng của đảng viên. Nhiều chi bộ trong sinh hoạt vẫn còn nặng về phổ biến, liệt kê những công việc đã làm trong tháng trước hoặc chỉ bàn về nhiệm vụ chuyên môn, chưa chú ý đi sâu kiểm điểm vai trò lãnh đạo của chi bộ, chi ủy cũng như tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Việc tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề chưa nhiều. Công tác xây dựng chi bộ và lãnh đạo tổ chức, hoạt động của các đoàn thể còn chung chung... Tình trạng trên là do một số tập thể chi uỷ và bí thư chi bộ chưa suy nghĩ tìm các biện pháp để đổi mới nội dung, hình thức nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Kiến thức, kinh nghiệm về công tác xây dựng đảng của một số cấp ủy và bí thư chi bộ còn hạn chế, lúng túng trong việc chuẩn bị nội dung cũng như phương pháp điều hành sinh hoạt chi bộ. Cấp uỷ cấp trên chưa coi trọng việc kiểm tra, hướng dẫn về sinh hoạt chi bộ, chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chi uỷ viên và bí thư chi bộ.

        Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào một số nội dung sau:

        Thứ nhất, bảo đảm tính lãnh đạo trong sinh hoạt chi bộ, thể hiện ở việc đảng viên phải bàn bạc thảo luận một cách dân chủ những vấn đề cần giải quyết và đưa ra quyết định về những nội dung lãnh đạo; định hướng được những hoạt động chủ yếu của địa phương, đơn vị trên các mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đảm bảo cho đơn vị phát triển; chỉ rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng tổ chức, từng cán bộ đảng viên; nêu chủ trương, biện pháp xây dựng chi bộ về chính trị tư tưởng và tổ chức, đảm bảo lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.

        Về tính giáo dục, qua mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ góp phần nâng cao trình độ của đảng viên, đảng viên tự nhận thấy vững vàng hơn trong công tác. Đó là điều kiện quan trọng để họ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tính giáo dục của sinh hoạt chi bộ còn được thể hiện việc nêu gương điển hình tiên tiến, gương đảng viên tiên phong mẫu mực, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt của đảng viên, nhận rõ những khuyết điểm của chi bộ và đảng viên từ đó khắc phục sửa chữa kịp thời.

        Qua sinh hoạt chi bộ thể hiện rõ tính chiến đấu, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng ưu điểm, nghiêm khắc với những sai lầm, khuyết điểm của mọi đảng viên, đề ra được biện pháp phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Đặc biệt tránh tình trạng né tránh, nể nang, lựa chiều khi phê bình. Xử lý kịp thời, nghiêm túc cán bộ, đảng viên lợi dụng dân chủ tiến hành phê bình để đả kích, gây chia rẽ hoặc lợi dụng phê bình để trả thù cá nhân.

        Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ vị trí, vai trò của chi bộ và sinh hoạt chi bộ; thường xuyên thấm nhuần Tư tưởng Hồ Chí Minh "Chi bộ là gốc rễ của Đảng"; nâng cao nhận thức chính trị, ổn định tư tưởng, giữ vững và phát huy tính tiên phong gương mẫu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Thể hiện vai trò trách nhiệm của người đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Từ đó cùng tập thể chi bộ đoàn kết thống nhất thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra. Gắn sinh hoạt chi bộ với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

        Thứ ba, đổi mới phương thức, cách thức tổ chức sinh hoạt; theo đó, chi ủy xây dựng chương trình hoạt động cả nhiệm kỳ, hằng năm, hằng tháng. Hằng tháng bí thư trực tiếp chuẩn bị hoặc phân công chi ủy chuẩn bị và thảo luận, bàn bạc hướng giải quyết những nội dung trọng tâm; thống nhất thời gian thông báo cho đảng viên nội dung sinh hoạt chi bộ để chuẩn bị ý kiến. Bí thư chi bộ gợi mở và tạo điều kiện cho đảng viên nêu suy nghĩ của mình; luôn bình tĩnh lắng nghe ý kiến của đảng viên kể cả các ý kiến đối lập, tránh nóng vội, gây không khí căng thẳng; tổng hợp ngắn gọn và kết luận đúng, đầy đủ nội dung đảng viên chi bộ đã thảo luận.

        Đối với sinh hoạt chuyên đề, chi ủy đề xuất nội dung phù hợp với yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ trong từng thời gian; phân công chi uỷ viên hoặc đảng viên chuẩn bị nội dung theo chủ đề và trao đổi trước một bước trong chi uỷ. Chi uỷ thông báo trước chuyên đề sinh hoạt cho đảng viên và đảng viên cũng phải chủ động chuẩn bị ý kiến phát biểu trong kỳ sinh hoạt.

        Thứ tư, thực hiện tốt việc chuẩn bị nội dung kiểm điểm của người bí thư cấp ủy theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4 (khóa XI). Từng đồng chí cấp ủy viên, nhất là bí thư chi bộ phải tự kiểm điểm trên tinh thần thẳng thắn, trung thực, nhìn thẳng vào sự thật, đảm bảo quy định của Điều lệ Đảng, đề ra giải pháp khắc phục những yếu kém trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ.

        Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành chế độ sinh hoạt của các chi bộ. Mỗi đồng chí cấp ủy cấp trên cần xây dựng kế hoạch dự sinh hoạt với chi bộ trên địa bàn được phân công để nắm bắt tình hình thực tế nhằm chỉ đạo, giúp đỡ của các chi bộ sinh hoạt đảm bảo đúng quy định của Điều lệ Đảng. Sau các buổi dự sinh hoạt với chi bộ chủ động tổ chức rút kinh nghiệm với chi ủy chi bộ để thống nhất cách thức tổ chức cho phù hợp nhất.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 281.826
    Online: 9
    ipv6 ready